Viêm kết giác mạc

Đăng lúc: 10:52:51 07/10/2022 (GMT+7)

Viêm kết giác mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là một bệnh rất thường gặp khi bệnh nhân đến khám chuyên khoa mắt. Là tình trạng viêm của kết mạc, lớp màng trong suốt phủ lên lòng trắng của mắt và phủ phía sau sụn mi, làm các mạch máu dãn nở, làm xuất hiện các triệu chứng: đỏ mắt từ nhẹ đến mức đỏ ngầu, mắt sưng, ra nhiều dử mắt, chảy nước mắt.

Viêm kết giác mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ)  là một bệnh rất thường gặp khi bệnh nhân đến khám chuyên khoa mắt. Là tình trạng viêm của kết mạc, lớp màng trong suốt phủ lên lòng trắng của mắt và phủ phía sau sụn mi, làm các mạch máu dãn nở, làm xuất hiện các triệu chứng: đỏ mắt từ nhẹ đến mức đỏ ngầu, mắt sưng, ra nhiều dử mắt, chảy nước mắt.

 

I. Nguyên nhân.

          - Viêm bờ mi.

          - Viêm kết giác mạc do dị ứng, thường không lây nhiễm.

        - Viêm kết giác mạc cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: thường gặp do lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis).

          - Viêm kết giác mạc cấp tiết tố màng do vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (Dipptheria) và liên cầu (Streptococcus Pyogene), phế cầu,

          - Viêm kết giác mạc do virus: do virus Adeno virus, Entero virus.

 

II. Triệu chứng.

            Bệnh xuất hiện lúc đầu ở một mắt, sau đó lan sang mắt còn lại trong một vài ngày. Mi mắt sưng đau. Có ghèn trong hoặc đục như mủ. Có thể màng giả ở kết mạc sụn mi. Đỏ mắt, ngứa, cộm xốn… Triệu chứng khác như:

          - Đau mắt đỏ do vi khuẩn kèm theo đổ nhiều ghèn (rỉ) màu xanh, vàng dính.

          - Trường hợp do virus thường chảy nước mắt nhiều, bệnh nhân rất nhạy cảm với ánh sáng, nổi hạch ngay trước tai, sốt nhẹ, kèm theo triệu chứng viêm mũi họng.

         - Đau mắt đỏ do dị ứng mắt ngứa dữ dội, kèm ghèn trong dính, có thể có tiền căn hoặc đang có biểu hiện của dị ứng: chàm da, hen phế quản, dị ứng thức ăn, thuốc…

 

III. Những vấn đề chăm sóc khi người nhà, người bệnh đang điều trị tại khoa cần biết.

 

1. Khi bệnh nhân điều trị tại khoa.

 

1.1. Chế độ dùng thuốc.

- Chỉ sử dụng thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống hoặc nhỏ thêm thuốc khác khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của BS, ĐD: Nhỏ thuốc trực tiếp vào mắt, đầu lọ thuốc tránh không đụng vào mắt, trước khi nhỏ thuốc rửa sạch ghèn rử (ken mắt) bằng nước muối sinh lý và tăm bông. 

- Rửa tay sau khi tra thuốc mắt.

- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

 

1.2. Chế độ vệ sinh mắt.

- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với mắt.

          - Lau mắt bằng gạc y tế hoặc khăn sạch. Rửa mặt bằng nước sạch, giặt khăn bằng xà phòng và phơi chỗ có nắng, thoáng, tránh ẩm mốc.

 

1.3. Chế độ dinh dưỡng.

- Người bệnh hầu như ăn uống bình thường, chỉ kiêng ăn các thức ăn gây kích thích, dị ứng. Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc, ăn trầu trong quá trình điều trị. Chỉ ăn kiêng đối với bệnh nhân mắc bệnh kèm theo (cao huyết áp, tiểu đường, dạ dày…). Không ăn thức ăn có chất gây dị ứng, mắm tôm, mẻ….

- Nên ăn thức ăn có nhiều chất đạm như thịt bò, thịt lợn, thịt gà,…, ăn bổ xung thêm rau, hoa quả tươi theo mùa. 

 

1.4. Cách bảo vệ mắt.

- Nên đeo kính mát (kính màu) để bảo vệ mắt và giúp mắt giảm kích thích. Hạn chế các ánh sáng soi thẳng vào mắt như: Ngồi máy tính, xem điện thoại, bóng đèn huỳnh quang, ánh nắng mặt trời….

- Không đeo kính áp tròng hay trang điểm trong quá trình điều trị bệnh.

- Tránh để vật thể khác tác động vào mắt, không đưa tay dụi mắt.

 

    2. Khi người bệnh được ra viện.

- Người bệnh tuân thủ dùng thuốc đúng theo đơn, không tự ý mua thêm thuốc, bỏ thuốc, đổi thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với mắt và các dịch tiết từ mắt như: ghèn rử, nước mắt,...

- Dùng riêng khăn rửa mặt. Định kỳ thay khăn mặt 3 tháng/ lần hoặc khi khăn có dấu hiệu bẩn, mốc.

- Chế độ vệ sinh mắt: bệnh nhân rửa mặt bằng nước sạch, giặt khăn rửa mặt bằng xà phòng, khăn mặt phơi ở nơi có ánh nắng mặt trời, thoáng, tránh ẩm mốc.

- Chế độ ăn: BN ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem, hạn chế các đồ ăn gây kích thích, dị ứng, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào.

- Bệnh nhân nên đi khám lại theo hẹn của bác sĩ, hoặc khám theo định kỳ, đi khám ngay khi mắt có các biểu hiện bất thường. 

- Nếu bệnh nhân có một số biểu hiện bất thường về mắt như: Đỏ, đau, chói cộm, nhìn mờ, có ghèn rỉ …, thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

- Cách phòng: sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ mắt khi làm việc như đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn xì, bơi lội…

-  Mang kính mát (kính màu) khi ra ngoài để bảo vệ mắt hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím (nên dùng các loại kính có thể ngăn ngừa tia UV …).

- Tuyệt đối không dùng tay day, dụi mắt.

- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với mắt và các dịch tiết từ mắt như: ghèn rử, nước mắt,...

- Dùng riêng khăn rửa mặt. Định kỳ thay khăn mặt 3 tháng/ lần hoặc khi khăn có dấu hiệu bẩn, mốc.

 

 viêm kết mạc

 

 

 

 

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24